Trong
ngày lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng Phát xít Đức, tôi xin gửi đến bạn
đọc bài viết “Những chiếc đồng hồ được sĩ quan Hồng quân Liên Xô sử dụng trong
chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.
Một chiếc đồng hồ sử dụng trong thế chiến thứ 2. Nguồn: Alltime.ru
Trong
Thế chiến thứ hai, đồng hồ đeo tay đóng một vai trò rất lớn – trên thực tế,
không kém gì vũ khí. Chúng không chỉ đơn giản là một công cụ đo thời gian, mà
còn là kim chỉ nam cho các hành động phối hợp của nhiều đơn vị quân đội, như điều
hướng, nhắm mục tiêu khi bắn pháo và liên lạc phối hợp giữa các đơn vị vô tuyến.
tất nhiên với những chức năng và sự tiện dụng trong việc sử dụng, những chiếc đồng
hồ đeo tay có mặt ở khắp mọi nơi trên các chiến trường ác liệt thời bấy giờ. Do
đó, ngành công nghiệp đồng hồ Liên Xô đã làm việc hết công suất để cung cấp đồng
hồ với chất lượng cao cho những người lính ngoài mặt trận.
Đồng hồ trở thành công cụ cực kỳ quan trọng trên cổ tay của người lính hồng quân
Điều
đáng nói là ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ Xô Viết được hình thành trong thời
điểm vô cùng quan trọng dựa trên dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh với máy
móc và thiết bị được gửi đến từ Hoa Kỳ xa xôi. Đây là những
tài sản của Dueber Hampden – một nhà máy sản xuất đồng hồ đã bị phá sản tại thời
điểm đó, được Liên Xô mua lại vào năm 1929. Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về
Ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ Nga tại đây.
ảnh một sĩ quan tàu ngầm với chiếc đồng hồ trên cổ tay. Nguồn Alltime.ru
Kết
quả là trên cơ sở của nhà máy Dueber Hampden, bốn mẫu đồng hồ đã ngay lập tức
được ra đời: đồng hồ bỏ túi 15 chân kính sản xuất cho Ủy ban Đường sắt Nhân
dân; đồng hồ đeo tay nam 7 chân kính theo đơn đặt hàng của Hồng quân; đồng hồ bỏ
túi dành cho nam giới 7 chân kính và đồng hồ đeo tay nữ 15 chân kính. Còn nhà
máy mới được đặt tên là Nhà máy đồng hồ số 1 Moskva, được xây dựng thần tốc: từ con
số 0 đến dây chuyền sản xuất đầy đủ trong vòng chưa đầy một năm.
Nhà máy đồng hồ số 1 Moskva. Nguồn Alltime.ru
Nhà
máy chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1 tháng 10 năm 1930 và một tháng sau,
50 phiên bản đồng hồ bỏ túi K-43 kim giây nhỏ được sản xuất. Và những chiếc đồng
hồ đeo tay dây da với tên gọi Kirovskie cũng lần lượt ra đời dựa trên bộ máy của
những chiếc đồng hồ bỏ túi trước đó.
Một chiếc đồng hồ K-43. Nguồn Alltime.ru
Trên
cơ sở của những chiếc đồng hồ Kirovskie, những chiếc đồng hồ bỏ túi và đeo tay
mang tên “Zvezda – ngôi sao” trở thành nguồn cung ứng đồng hồ chính cho mặt trên
trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bất chấp
số lượng đồng hồ được sản xuất ra lên đến hàng chục ngàn trong thời gian chiến
sự và ngay sau chiến thắng, hàng trăm chiếc đồng hồ trở thành chiến lợi phẩm (chủ
yếu là của Đức và Thụy Sĩ) đã được quân đội xử lý. Vào tháng 5 năm 1945, đội
tiên phong của Hồng quân đã phát hiện ra một trong những kho của Phát xít Đức,
nơi cất giữ 17 nghìn chiếc đồng hồ Selza. Hồng quân đã xử lý chiến lợi phẩm này
bằng cách trao tặng cho những người lính và sĩ quan có đóng góp nổi bật trong
trận chiến tại Berlin.
Một chiếc đồng hồ Selza - chiến lợi phẩm của Hồng quân trong cuộc tấn công Berlin
Nhiều
thiết kế retro rất có giá trị trong những bộ sưu tập. Trong đó có chiếc đồng hồ
bỏ túi của cố thủ tướng vĩ đại người Anh Winston Churchill, được chế tác vào những
năm 40 bởi nghệ nhân người Thụy Sĩ Louis Cotier. Năm năm trước, một chiếc đồng hồ
như vậy đã được đưa ra đấu giá bởi nhà thầu Sotheby trong dịp kỷ niệm 70 năm kết
thúc Thế chiến II và kỷ niệm nửa thế kỷ của cái chết của thủ tướng Anh. Chiếc đồng
hồ đã được bán với một mức giá ấn tượng: 746.000 đô la, cần nhấn mạnh rằng nó
là một trong bốn bản còn tồn tại.
Thủ tướng Winston Churchill và chiếc đồng hồ của ông.
Năm
1945, sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít, những chiếc đồng hồ này đã được những
nhà chế tác đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng tặng cho các nhà lãnh đạo của liên minh
chống Hitler (phe đồng minh): Joseph Stalin (Liên Xô), Harry Truman (Hoa Kỳ),
Winston Churchill (Anh) và Charles de Gaulle (Pháp). Trên tay ba chiếc Poljot rất hiếm và đẹp
Video review đồng hồ Pobeda: Biểu tượng của chiến thắng
Trong
bài viết này tôi muốn giới thiệu đến các bạn ưu và nhược điểm của đồng hồ tự động.
Bạn có thể tìm hiểu nguyên lý hoạt động của đồng hồ cơ tự động tại đây. Tôi sẽ tóm lược một cách đơn giản: Đối với một chiếc đồng hồ lên cót tay thì chúng ta
phải lên cót theo chu kỳ thông qua núm vặn (thường là một ngày lên một lần tùy
thuộc vào thời lượng trữ cót của đồng hồ), còn đồng hồ tự động nếu chúng ta đeo
thường xuyên thì có thể loại bỏ được việc lên cót. Bộ máy của những chiếc đồng
hồ này thường được bổ sung thêm một bộ phận, được gọi là rotor (quả văng) – bộ phận này có
khả năng dao động theo quán tính khi cánh tay chuyển động, từ đó năng lượng được chuyển
đổi để làm tăng sức căng của dây cót đồng hồ.
Đồng hồ tự động Heuer. Nguồn Alltime.ru
Ưu
điểm:
Từ
nguyên lý hoạt động của đồng hồ tự động, có thể dễ dàng nhận ra những ưu điểm của
nó. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ liệt kê những ưu điểm nổi bật nhất:
Đồng hồ Perrelet double rotor - một trong những bộ máy tự động nổi tiếng. Nguồn Alltime.ru
Đầu
tiên, cơ chế tự động về cơ bản giải phóng người chơi đồng hồ khỏi việc lên cót
định kỳ. Tất nhiên, nếu đồng hồ nằm bất động trong một thời gian dài, thì dĩ nhiên,
nó sẽ ngừng hoạt động bất kể chúng sử dụng cơ chế nào. Tuy nhiên, với các cỗ máy tự động,
điều này xảy ra ít thường xuyên hơn. Đặc biệt, chúng ta có thể giảm hẳn việc lên
cót trên những chiếc đồng hồ automatic bằng cách sử hộp xoay đồng hồ.
Điểm
cộng thứ hai là độ chính xác. Với cùng độ căng của lò xo và tất cả những điều
kiện khác đều như nhau, một chiếc đồng hồ tự động và một chiếc lên cót tay sẽ
chạy chính xác như nhau. Đồng hồ sẽ hoạt động với độ chính xác cao khi độ căng của
lõ xo lớn hơn một nửa và độ chính xác giảm, khi độ căng của lò xo thấp hơn một
nửa. Điểm mấu chốt là lò xo của cơ chế tự động, nếu đồng hồ được đeo trên tay thường
xuyên thì gần như độ căng của của lò xo sẽ không bị suy yếu và như vậy chiếc đồng
hồ của chúng ta sẽ luôn giữ được sự ổn định khi sử dụng, bởi năng lượng cho hộp
cót được nạp liên tục.
Và
cuối cùng là thẩm mỹ. Theo nghiên cứu, bạn có thể ngắm nhìn lửa, sóng biển, và cách
người khác làm việc mãi mãi mà sẽ không cảm thấy chán … Đối với cánh đàn ông
chúng ta, theo tôi việc ngắm một cô gái đẹp và bộ máy đồng hồ khi chúng hoạt động
qua mặt kính trong suốt luôn mang lại rất nhiều cảm xúc và tất nhiên không có sự nhàn chán ở đây. Quan sát chuyển động của
rotor đôi khi cũng có sức hấp dẫn lạ kỳ! Mặc dù, quả văng phần nào che khuất
các chi tiết khác, nhưng sự quyến rũ của chúng là ở chỗ chúng có thể tự di chuyển
bằng cách xoay đồng hồ đến một vị trí khác, và sau đó bạn có thể nhìn thấy những
bánh xe, balance hay bridge. Điều này tương tự như việc chúng ta vừa khám phá
ra một bí mật bên trong cỗ máy cơ khí tinh xảo nhỏ bé, thay vì việc ngắm nhìn đến nhàn chán một cỗ máy cót tay.
Nhược
điểm:
Tôi
cũng sẽ chỉ ra ba nhược điểm của những chiếc đồng hồ tự động:
Một chiếc đồng hồ R. Gauthier tự động micro-rotor. Nguồn Alltime.ru
Đầu
tiên là kích thước và trọng lượng. Hệ thống tự động chiếm khối lượng không nhỏ
trong chiếc đồng hồ và tất nhiên nó cũng khiến cho chiếc đồng hồ trở lên dày
hơn khi lên tay. Đối với những người thích những chiếc đồng hồ mỏng – biểu tượng của sự sang trọng và tinh thế
thì đây là điểm trừ khá lớn. Tất nhiên có những chiếc đồng hồ tự động được làm
khá mỏng, nhưng cái giá phải trả cho chúng không phải ai cũng có thể sở hữu.
Thứ
hai là độ ổn định trong quá trình hoạt động. Việc bổ sung cơ chế tự động dẫn đến bộ
máy của chiếc đồng hồ trở nên phức tạp hơn. Về nguyên tắc, với các tác động đủ
mạnh từ bên ngoài, rất dễ làm hỏng các bộ phận bên trong của đồng hồ – ví dụ, quả văng, nhưng một chiếc đồng hồ lên cót tay sẽ giảm thiểu tối đa điều này. Tất
nhiên, với kỹ thuật chế tác đồng hồ đỉnh cao ngày nay, hỏng hóc của đồng hồ đã
được tối thiểu hóa bằng cách sử dụng các thiết bị chống sốc. Tuy nhiên, trên lý
thuyết những hiện tượng tôi nói ở trên hoàn toàn có thể xảy ra.
Và
cuối cùng: giá cả. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những chiếc đồng hồ với bộ
máy tự động thường đắt hơn so với những chiếc đồng hồ lên cót tay.
Tổng
kết:
Bất kỳ bộ máy đồng hồ nào cũng có ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, trong niềm
tin sâu sắc mình, ưu điểm của đồng hồ tự động sẽ luôn vượt xa nhược điểm của chúng,
Vì vậy, trong đồng hồ cơ hiện đại bộ máy tự động được sử dụng ngày càng phổ biến.
Video: Trên tay chiếc đồng hồ cổ Poljot tự động lịch lúp.
Liên
Xô cuối cùng đã không còn tồn tại vào tháng 12 năm 1991. Quê hương của người Nga giờ đây đã nhận được một cái tên mới: Liên bang Nga và được thừa hưởng tất cả những thành tựu của thời Xô viết hào
hùng, tất nhiên cả những khó khăn mà không dễ giải quyết trong ngày một ngày
hai bởi sự rối ren của trật tự xã hội lúc bấy giờ. Nước Nga của thập niên 90 đã
đi vào lịch sử với những khó khăn chồng chất, không chắc chắn về ngày mai. Tuy
nhiên, ngành công nghiệp đồng hồ Nga có thể nói đã sống sót và vượt qua những
điều kiện khắc nghiệt mà không bị chìm vào quên lãng. Hơn nữa, một số nhà sản
xuất đồng hồ Nga đã làm tốt hơn nhiều trong thập niên 90 so với đầu những năm
2000.
Trên tàn tích của một đế chế
Đó
là vào những năm 1990, nhà máy sản xuất đồng hồ Penza đã tạo ra chiếc đồng hồ tự
động Zarya mỏng nhất từng tồn tại trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Cỗ máy Zarya-2615 với
độ dày chỉ 4.25 mm - được coi là một trong những thành tựu cuối cùng của ngành công nghiệp
chế tác đồng hồ Liên Bang Xô Viết.
Đồng hồ Zarya 2615. Nguồn: Alltime.ru
Nhà
máy đồng hồ Penza không còn xa lạ với các kỷ lục – trong các xưởng sản xuất,
vào năm 1962, những chiếc đồng hồ cơ nhỏ nhất ở Liên Xô chạy máy 1509 đã ra đời.
Hiện nay, nhà máy sản xuất đồng hồ Penza vẫn sản xuất đồng hồ mặc dù đã trả qua
nhiều thằng trầm, đặc biệt việc thay đổi quyền sở hữu vào năm 2003 có tác động
tích cực đến tình trạng của công ty.
Đồng hồ Komandirskie chạy máy 2214. Nguồn: Alltime.ru
Những
năm 90 lại là thời điểm tốt cho Nhà máy Đồng hồ Chistopol, nơi đã tạo
ra chiếc đồng hồ "Komandirskie" nổi tiếng vào năm 1965. Vào đầu thập niên 90, Nhà máy này đã xuất khẩu những lô đồng hồ lớn đến Mỹ và Ý. Mặc dù vào năm
2010, nhà máy đã bị tuyên bố phá sản, nhưng việc sản xuất không hoàn toàn dừng
mà nó vẫn tiếp tục ở một số doanh nghiệp nhỏ tại đây. Ngày nay, bạn vẫn có thể mua những
chiếc đồng hồ “Komandirskie" sử dụng cỗ máy in-house sản xuất tại nhà máy Chistopol.
Đồng hồ Chaika sử dụng caliber 2256A. Nguồn: Alltime.ru
Ở
đâu đó, vào những năm 1990, chúng ta có thể gặp chiếc đồng hồ Chaika, được sản xuất tại nhà máy đồng hồ Uglich, đây
cũng là nơi những chiếc đồng hồ Volga được ra đời. Năm 2006, nhà máy Uglich ngừng
hoạt động, đến năm 2008 chỉ còn một tòa nhà tại nhà máy hoạt động: thiết bị đã được gỡ bỏ,
các chuyên gia lần lượt rời đi vì họ tìm thấy vị trí trong các công ty khác. Lý
do cho điều này rất đơn giản – nợ của nhà máy Uglich cao hơn nhiều lần so với doanh
thu của họ. Tuy nhiên, vẫn còn thuốc súng trong các bình bột tại nhà máy trang
sức Chaika, cho nên ngày nay, tại đây, người ta vẫn tạo ra những chiếc đồng hồ
bằng vàng và bạc đúc tuy nhiên chúng được ủy quyền bởi các công ty đồng hồ
khác.
Liệu
có sự trỗi dậy của một đế chế?
Sự
khởi đầu của thiên niên kỷ mới ở Nga được đánh dấu bằng những sự kiện thú vị diễn
ra trong ngành đồng hồ trong nước. May mắn thay, trong thời hiện đại, thị trường
đồng hồ không chỉ dành cho các nhà máy sản xuất của Liên Xô bị phá sản được xây
dựng lại ở Liên Bang Nga, mà còn có chỗ dành cho sự thành công của một số công ty
và một số nhà chế tác đồng hồ độc lập. Họ là ai? Ai sẽ trở thành người lãnh đạo ngành
công nghiệp đồng hồ ở Nga ngày nay?
Đồng hồ Buran và Sturmanskie sản xuất bởi công ty Volmax. Nguồn: Alltime.ru
Công
ty Volmax, được thành lập năm 1997 bởi các cựu nhân viên của Nhà máy Đồng hồ số
1 Moscow, hiện tại là đại diện nổi bật cho bộ mặt đồng hồ Nga ở thị trường quốc
tế. Ban đầu, Volmax đã tham gia vào việc cung cấp bán buôn đồng hồ Poljot cho
các nước châu Âu, với sự bắt đầu của thiên niên kỷ mới, Công ty bắt đầu sản
xuất những chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng ánh chỉ bán tại thị trường nội địa (LB Nga). Nhờ những nỗ lực của công ty Volmax mà Aviator, Buran và đồng hồ
Sturmanskie đã được hồi sinh trong thập kỷ qua và bắt đầu được công nhận trên toàn thế
giới, chúng là một trong những chiếc đồng hồ dễ nhận biết nhất bởi chúng mang
phong cách thiết kế đậm chất Nga. Đồng hồ Aviator (ngày nay được sản xuất tại
Thụy Sĩ) là một ví dụ điển hình, nó được biết đến, sử dụng bởi các phi công
chuyên nghiệp và những người đam mê hàng không từ các quốc gia khác nhau, hiện
tại nó được đeo trên cổ tay của phi đội bay Hiệp sĩ – phi đội bay biểu diễn lừng
danh của không quân Nga.
Đồng hồ pilot Aviator. Nguồn: Alltime.ru
Hình
ảnh tích cực của ngành công nghiệp đồng hồ Nga được hỗ trợ bởi Nhà giao dịch
Pavel Bure mà tôi đã đề cập ở những phần trước. Công ty trở lại Nga vào năm
2004 với một kế hoạch và hành động đã được vạch ra để khôi phục lại nền
công nghiệp đồng hồ. Vào năm 2005, tức
là đúng 190 năm ngày Bure phát hành chiếc đồng hồ đầu tiên, công ty đã giới thiệu trước
công chúng những mẫu đồng hồ Bure mới, thấm đẫm tinh thần độc đáo của hãng. Và
một lần nữa, một loạt models được giới thiệu đến công chúng – từ chất liệu vỏ thép đến những chiếc đồng
hồ làm bằng vàng và bạch kim, dành cho mọi sở thích, cũng như mức độ giàu có khác nhau
của người đam mê đồng hồ. Vâng, xin nhắc lại rằng đồng hồ Bure sau cuộc cách mạng tháng Mời đã được sản xuất hoàn toàn tại Thụy Sĩ. Nhưng công ty có nguồn gốc tại Saint-Petersburg (cố đô của nước Nga) điều này sẽ mãi không thể thay đổi.
Làm
thế nào để mọi người có thể hiểu được tầm quan trọng của ngành công nghiệp đồng
hồ trong nước trong việc tạo ra những bộ máy của riêng mình. Không thể phủ nhận rằng
việc tạo ra những caliber in-house là bước khó khăn nhất trong quá trình sản xuất
đồng hồ. Trong thời kỳ Xô Viết, những nhà máy của Nhà nước đã tạo ra những cỗ máy của
riêng mình, mặc dù nền kinh tế chỉ huy đã kìm hãm khá nhiều sự sáng tạo, nhưng
cơ bản nền tảng của chuỗi sản xuất đã được thiết lập tốt. Mặc dù những cỗ máy từng
được tạo ra vẫn đơn giản và không thể so sánh với những tác phẩm horlogerie,
tuy nhiên chúng được sản xuất in-house hoàn toàn. Cơ sở của ngành sản xuất đồng
hồ hiện đại ở Nga gần như biến mất cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Nếu
dựa trên cơ sở hệ thống máy móc cũ của Liên Xô, việc chế tạo đồng hồ của nước
Nga mới sẽ dễ dàng hơn, nhưng hầu như tất cả các thiết bị đều bị bán, bị mất hoặc bị hư hỏng nặng vv ...
Đó thực sự là điều đáng tiếc, mà chỉ có những người ở vào hoàn cảnh và thời kỳ
đó mới hiểu được.
Đồng hồ Raketa thiết kế bởi siêu mẫu Natalia Vodianova. Nguồn: Alltime.ru
Tuy
nhiên, bất chấp tất cả, ngày nay ở Nga có một số xưởng sản xuất đồng hồ vẫn tạo
ra những cỗ máy của riêng mình, tiêu biểu trong số đó là Nhà máy sản xuất đồng
hồ Petrodvorets, một trong những nhà máy lâu đời nhất ở Nga, đã điều chỉnh để tồn
tại đến ngày hôm nay và hiện tại đang quảng bá thành công đồng hồ Raketa tại thị
trường Nga. Chính sách giá cả linh hoạt của công ty Raketa cho phép người chơi
đồng hồ có thể chọn cho mình một chiếc theo ý thích của họ, điều này hỗ trợ cho
ngành công nghiệp đồng hồ trong nội tại nước Nga rất nhiều.
Một chiếc Raketa tự động đời mới. Nguồn: Alltime.ru
Tuyệt
vời! Đó là tất cả những gì có thể nói về những bộ máy độc nhất vô nhị đã tạo ra trong phân xưởng của Konstantin Chaykin. Xưởng sản xuất Konstantin
Chaykin là doanh nghiệp trong nước duy nhất sản xuất các bộ máy đồng hồ của
Nga với độ phức tạp cao nhất không thua kém nhiều dòng đồng hồ nổi tiếng của Thụy
Sĩ.
Một chiếc đồng hồ rất độc đáo được chế tạo bởi Konstantin Chaykin. nguồn: Alltime.ru
Konstantin
Chaykin đã có những bước đi đầu tiên trong ngành đồng hồ ở Nga vào năm 2001. Sau
đó, với sự giúp đỡ của một đối tác kinh doanh, ông đã mở cửa hàng của riêng
mình, nơi bán những chiếc đồng hồ rẻ tiền. Đồng thời, ông cũng tự học kiến thức cơ bản
trong việc chế tạo đồng hồ. Một thời gian ngắn sau đó, Konstantin đã có thể đích thân
tham gia vào việc phục hồi, sửa chữa đồng hồ, chính điều này đã giúp ông bổ sung kiến
thức một cách nhanh chóng. Vào thời điểm đó, Konstantin Chaykin đã bắt đầu
suy nghĩ về việc tạo ra chiếc đồng hồ với tourbillon của riêng mình (tourbillon - một trong
những cơ chế tinh tế và phức tạp nhất trong đồng hồ), nhưng ý tưởng này đã bị treo lên
một thời gian. Một động lực quan trọng làm trỗi dậy cảm hứng sáng tạo của Konstantin,
là chuyến đi của ông đến triển lãm đồng hồ Breguet ở Hermecca – nơi trưng bày
những tác phẩm đẹp nhất của ngành chế tác đồng hồ được thực hiện gần 200 năm
trước. Tất nhiên vào thời điểm đó, không có máy móc công nghệ cao và cũng không có các
công cụ đặc biệt vậy tại sao người ta lại làm ra những chiếc đồng hồ tinh sảo đến
vậy. Điều này đã gây ấn tượng lớn với Chaykin, ông nghĩ rằng tất cả đều có thể
thự hiện được, và bắt đầu làm việc hết công xuất nhằm để tạo ra chiếc đồng hồ để
bàn có tourbillon đầu tiên mang tên ông. Quá trình này mất 9 tháng và chiếc đồng
hồ được hoàn thành vào năm 2003, một biểu tượng mới được ra đời!
Chiếc đồng hồ để bàn với tourbillon của Konstantin Chaykin. Nguồn: Alltime
Một
chiếc đồng hồ để bàn có tourbillon trở thành điểm khởi đầu không chỉ cho công
việc chế tạo đồng hồ của Konstantin Chaykin, mà còn là một trang mới trong lịch
sử chế tạo đồng hồ ở Nga. Sau đó, Konstantin Chaykin tiếp gây bất ngờ với những
phát minh độc đáo của ông không chỉ ở Nga mà cả thế giới: đồng hồ thiên văn với
ngày Phục sinh Chính thống, được chế tác trong hai năm (chiếc đồng hồ được giới thiệu năm 2007) đã gây bất
ngờ cho đại diện của Học viện Đồng hồ Độc lập Quốc tế tại Thụy Sĩ.
Đồng hồ thiên văn của Konstantin Chaykin. Nguồn: Alltime.ru
Thành viên của Học viện là những nhà sản xuất đồng hồ được công nhận từ khắp
nơi trên thế giới. Mục tiêu của tổ chức này là đoàn kết họ lại vì lợi
ích của sự phát triển ngành đồng hồ toàn cầu. Ở Thụy Sĩ, ban đầu họ đã từ chối Konstantin Chaykin vì không tin rằng: một bậc thầy đến từ Nga có thể chế tạo chiếc
đồng hồ này. Tất nhiên Chaykin đã khẳng định ông tự tạo ra chiếc đồng hồ mà
không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Sau khi tham quan xưởng của Konstantin
Chaykin ở St. Petersburg, mọi nghi ngờ đã biến mất và Konstantin được nhận làm ứng
viên cho Học viện đồng hồ độc lập quốc tế, hai năm sau trở thành thành viên
chính thức. Hiện tại, ông là thành viên người Nga duy nhất của tổ chức này. Ngày
nay, Konstantin Chaykin được biết đến là tác giả của hơn ba mươi phát minh
trong lĩnh vực cơ học ứng dụng, trong đó có một chiếc đồng hồ đặc biệt với khả
năng dự trữ năng lượng lên đến 10 ngày, đồng hồ với cơ chế lịch âm hoàn toàn mới
và đồng hồ đeo tay cực kỳ thanh lịch với máy chiếu phim thu nhỏ. Một danh sách
đầy đủ các tác phẩm nghệ thuật chế tác đồng hồ của Konstantin Chaykin được giới
thiệu hoàn trình trên trang web của ông. bạn có thể xem tại đây.
Tất
nhiên, đồng hồ của Konstantin Chaykin sẽ không bao giờ trở nên phổ biến, bởi đỉnh
cao nghệ thuật luôn gắn liền với sự đắt đỏ và số lượng có hạn không phải ai cũng có thể sở hữu
được. Nhưng điều đó cho thấy rằng ngành công nghiệp đồng hồ ở Nga ngày nay, có thể cung cấp đồng hồ
chất lượng cho mọi người ở mọi mức thu nhập khác nhau, và một số công ty thậm
chí còn biến điều này thành cơ sở cho sự tồn tại của họ. Về điều này, chúng ta
không thể không nhắc đến những chiếc đồng hồ tuyệt đẹp của công ty Nika. Công
ty Nika được thành lập năm 2003 với sự tham gia của 100% vốn của Nga, điều đó
chứng minh rằng đồng hồ trang sức chất lượng cao hoàn toàn có thể phục công
chúng bằng năng lực sản xuất nội địa.
Đồng hồ Nika. nguồn: Alltime.ru
Các
xưởng của công ty Nika và nhà máy của Konstantin Chaykin đối diện nhau, đó là
điều dễ hiểu, bởi vài năm trước, công ty Nika đã trở thành nhà đầu tư cho xưởng chế tác của Konstantin Chaykin và giúp Konstantin chuyển hoàn toàn sản xuất từ
St. Petersburg xuống Moscow. Các văn phòng đại diện của công ty Nika và nhà
xưởng của Konstantin Chaykin nằm cách khu bảo tồn Kolologistskoye không xa, nơi đặt trụ sở của một triển lãm đồng hồ. Ở đó bạn
có thể thấy chiếc đồng hồ do nghệ nhân Semyon chế tạo cho tòa tháp của Tu viện
Solovetsky mà tôi đã đề cập ở phần 1.
Suy nghĩ về tương lai
Nga
– Trong tất cả các khía cạnh, là một đất nước phức tạp, và không thể hiểu được (Fyodor Dostoyevsky từng nói: Chỉ có Chúa mới hiểu được nước Nga).
Mặc dù vậy, các trang lịch sử của đất nước này ở những thời điểm khác nhau đều
được làm phong phú bởi hành động của con người nơi đây, trong điều kiện thực tế ở Nga, bạn có thể thấy, họ đã mơ ước, phát minh, thực hiện và đốt cháy một ý tưởng
cho đến tận cùng. Tuy nhiên, theo quy luật của lịch sử, đất nước này sẽ không đứng
yên.
Lịch
sử của ngành công nghiệp đồng hồ ở Nga không chỉ là tập hợp của ngày và tên. Lịch
sử của ngành công nghiệp đồng hồ ở Nga là một biên niên sử sống động, đặc biệt, tồn tại để phục vụ như một kim chỉ Nam cho hành động của người Nga trong thế kỷ 21.
Đây là một biên niên sử đang được thực hiện để nhắc nhở mọi người Nga rằng việc đưa các ý tưởng phức tạp vào cuộc sống hoàn toàn khả thi. Và người Nga có
quyền tự hào về những thành tựu mà họ đã đạt được trong chiều dài lịch sử của
Ngành công nghiệp đồng hồ nơi đây.
Ở
Nga, trong quá khứ cũng như hiện tại sẽ luôn có những bậc thầy vĩ đại mà những
sáng tạo của họ kích thích trí tưởng tượng của mọi người ở những quốc gia khác
nhau. Từ những người tiên phong trong lĩnh vực chế tạo đồng hồ Lazar Serbin và
Moses Terentyev, những nhà sáng tạo xuất sắc của nước Nga Sa hoàng: Ivan
Kulibin, Mikhail Medoks, Semyon Bronnikov và Pavel Bure ... cho đến người kế nhiệm
xứng đáng của họ: Konstantin Chaykin, những người thợ đồng hồ của chúng ta luôn
có thể tạo ra một chiếc đồng hồ tinh vi đáng kinh ngạc, thể hiện cá tính và trí
tuệ Nga.
Các
nhà máy thời Liên Xô đã làm rất tốt việc sản xuất hàng loạt đồng hồ - hãy nhớ về
những thương hiệu lừng danh một thời “Pobeda”, “strela”, “Poljot” và đừng quên
"Okean", "Zarya", "Chaika" và sự tự hào khi phụng sự
tổ quốc "Komandirskie" và "Sturmanskie". Ngành công nghiệp
này sẽ không ngủ quên trong quá khứ - những chiếc đồng hồ hiện đại của Nga Nika
và Raketa được sản xuất thủ đô Moscow và cố đô St.Petersburg sẽ tiếp tục viết
những trang sử tiếp theo.
Một
số công ty quyết định chuyển giao sản xuất sang Thụy Sĩ. Hai hãng đồng hồ Nga:
Buran và Aviator được tạo ra ở bên ngoài lãnh thổ Nga, nhưng người Nga vẫn luôn
dành tình cảm cho chúng.
Trong
một cuộc trò chuyện với nhà báo của tờ báo Vedomosti, Konstantin Chaykin nói: "Với
những chiếc đồng hồ được tạo họ sẽ đánh giá nước Nga không chỉ có búp bê matreska
và Gấu. Chúng tôi đã xây dựng những đường ống kết nối bằng đồng, và do đó, một phần
quan trọng hơn đó là minh chứng của người Nga đối với thế giới: ngay cả
trong tình hình chính trị và kinh tế hiện nay ở Nga, vẫn có một số công ty
thành công trong thị trường toàn cầu, họ sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm công nghệ cao.
Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta không cần thiết phải rời khỏi đất nước. Tôi
nghĩ rằng trong những năm tới chúng tôi sẽ dương cao lá cờ này. Hiện tại, không
chỉ có hy vọng, mà còn có niềm tin rằng chúng ta có thể làm được ..."
Phần
thứ hai của bài viết "Lịch sử ngành công nghiệp đồng hồ ở Nga" đã kết
thúc bằng một đề cập ngắn gọn về thương hiệu Pavel Bure, công ty đã bắt đầu sản xuất đồng
hồ từ năm 1815. Tất nhiên, đồng hồ từ các nhà sản xuất khác cũng rất phổ biến
vào thời điểm đó, nhưng các sản phẩm của Bure đã vượt lên trên chất cả về chất
lượng và độ hoàn thiện.
Đồng hồ bỏ túi của Pavel bure. Nguồn: Alltime.ru
Nhà
chế tác đồng hồ Bure được thành lập bởi Karl Bure, người đã đến St. Petersburg
từ Tallinn cùng với con trai Pavel (tên châu Âu là Paul). Từ thời thơ ấu, cậu
thanh niên Paul được bao quanh bởi bầu không khí của ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ, sau đó anh đã được người cha đáng kính truyền lại cho mình niềm đam mê ấy. Đến lượt Pavel Pavlovich Bure
(cùng tên với cha Pavel, tức là cháu nội của Karl Bure), tiếp tục quản lý
công việc kinh doanh của gia đình, vào năm 1874 đã mua một nhà máy sản xuất đồng
hồ ở thành phố Le Locle của Thụy Sĩ. Ba mươi năm trước cuộc cách mạng, công ty
đã mở văn phòng đại diện tại Moscow và Kiev, đồng thời trở thành Nhà cung cấp đồng hồ chính cho Triều đình của Sa hoàng lúc bấy giờ.
Một chiếc đồng hồ Pavel Bure được bán tại Moscow và cố đô Saint-Petersburg. Nguồn: Alltime.ru
Nhưng
đồng hồ Pavel Bure (dưới cái tên được sản xuất sau đó) đã trở nên phổ biến
không chỉ với giới quý tộc, mà mọi người dân đều biết và có thể sở hữu, bởi vì công
ty có chính sách quảng cáo rất đa dạng. Đồng hồ Bure được sản xuất cho những
người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần dành cho những
người giàu có. Từ vỏ làm bằng kim loại đến những vật liệu quý như bạc, vàng, đồng thời các cửa
hàng Pavel Bure hầu hết nằm ở mặt tiền của những con phố lớn, điều này giúp cho thương hiệu này dễ dàng lọt vào mắt mọi người. Đồng hồ bỏ túi, đồng
hồ treo tường, đồng hồ bấm giờ, báo thức vv.., nhà máy Bure đã làm ra mọi chiếc
đồng hồ với đủ loại và đủ chức năng khác nhau. Tất nhiên với sự phát triển của
mình đồng hồ Bure đã nhận được sự công nhận quốc tế: năm 1900, đồng hồ Bure đã
giành được huy chương vàng tại Triển lãm đồng hồ thế giới tại Paris. Năm đó cũng
đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong lĩnh vực đào tạo thợ đồng hồ - Giáo
sư Zavadsky thành lập Viện Khoa học Đồng hồ đầu tiên ở St. Petersburg. Trong
các bài giảng và hội thảo, các bậc thầy trong tương lai đã có cơ hội trao đổi về
những rắc rối khi thử nghiệm và sản xuất những mẫu đồng hồ khác nhau.
Những chiếc đồng hồ Pavel Bure vỏ thép. Nguồn: Alltime.ru
Đồng
hồ Bure thường được tìm thấy trong các tác phẩm của Anton Pavlovich Chekhov. Dường
như mọi thứ đều suôn sẻ, nhưng vẫn có những ngày giông bão đến với xưởng đồng hồ
Bure. Ví dụ, vào năm 1903, một vụ bê bối thực sự nổ ra xung quanh thương hiệu
này: ca sĩ opera nổi tiếng thế giới người Nga Fyodor Chaliapin đã từ chối chiếc
đồng hồ vàng Pavel Bure, mà ông được tặng như một món quà để tham gia buổi hòa
nhạc nhân dịp kỷ niệm 290 năm triều đại Romanov. Chính Chaliapin đã giải thích
hành động của mình bằng cách bày tỏ sự không hài lòng với chế độ Sa hoàng thối
nát bóp nghẹt dân chủ. Lý do tại sao ca sĩ không tham gia buổi hòa nhạc vẫn
chưa rõ ràng. Tuy nhiên, trước khi sự cố này xảy ra, Chaliapin đã từng nhận được
một chiếc đồng hồ Bure như một món quà – ngày nay bạn có thể thấy nó trong Bảo
tàng Điện Kremlin, Moscow.
Đồng hồ đeo tay Pavel Bure với cọc số ở vị trí 12h được sơn đỏ.
Năm
1916, đồng hồ Pavel Bure với chức năng bấm giờ đã được cấp bằng sáng chế chính
thức. Cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917 đã ngăn chiếc đồng hồ này trở nên phổ
biến và buộc đồng hồ Bure phải rời khỏi thị trường Nga. Công ty đã phải chịu khoản
lỗ 7 triệu rúp vàng – một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ, tất cả các tòa nhà nơi
những cửa hàng đồng hồ Bure được đặt đều trở thành tài sản của người lạ (chắc độc
giả cũng đoán được là ai). Bản thân công ty tiếp tục tồn tại, vì nhà máy chính
của nó ở Thụy Sĩ. Văn phòng đại diện chính của hãng được đặt tại
Le Locle – Thụy Sĩ. Trớ trêu thay, một số nhân vật nổi bật của cuộc cách mạng
tháng Mười lại tìm đủ mọi các để sở hữu những chiếc đồng hồ Pavel Bure trong túi của họ. Một trong số đó là Chủ
tịch Ủy ban Cách mạng Quân sự Petrograd (Saint-Petersburg) Nikolai Podvoisky,
khi ông này sở hữu chiếc đồng hồ bỏ túi Bure bằng vàng 18k, mà sau này người ta
gọi nó với cái tên "Đồng hồ của Cách mạng". Đối với chính nhà sản
xuất đồng hồ Bure, họ đã vượt qua cuộc khủng hoảng khi bước ra khỏi thị trường
Nga và chính thức đặt chân vào một thị trường mới với sự phát triển mạnh mẽ, năng động trong lĩnh vực chế tác đồng hồ. Logo được đổi thành Paul Buhre, và đã
hoàn toàn trở thành một hãng đồng hồ Thụy Sĩ. Những chiếc đồng hồ Bure sản xuất
trong thời gian này được bán thành công ở cả phương Tây lẫn phương Đông.
Kể
từ nửa sau thế kỷ XX, đồng hồ Bure đã được biết đến trên tất cả các châu lục.
Tuy nhiên, tôi sẽ không tiếp tục đi sâu và hang đồng hồ này nữa, mà ngay lập tức
quay trờ lại nước Nga – lúc bấy giờ đã bước vào một kỷ nguyên mới, thời kỳ hậu
cách mạng – thời kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa.
Thời kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa – Thời kì Xô Viết CCCP (USSR)
Sau khi Liên bang Xô viết thành lập được không lâu, đồng hồ và các bộ phần của chúng cuối cùng cũng dần cạn kiệt vào năm 1926, cùng
với đó là nhu cầu của người dân đối với đồng hồ ngày càng tăng. Để đáp ứng điều đó chính phủ Liên Xô đã quyết định mua đồng hồ, linh kiện, phụ tùng sửa chữa từ nước ngoài, và việc thanh toán cho những mặt hàng này tại thời điểm đó được thực
hiện bằng vàng.
Năm
1927, các quan chức Liên Xô đã quyết định hồi sinh ngành công nghiệp đồng hồ
trong nước, họ đã xem xét nhập khẩu các thiết bị sản xuất từ Hoa Kỳ và thỏa thuận
giữa hai bên đã nhanh chóng được ký kế. Các công cụ, máy móc của Mỹ được chuyển
đến Nga vào tháng 4 năm 1930, và vào tháng 9 cùng năm, việc lắp đặt đã được
hoàn thành, đó được coi là cột mốc thành lập Nhà máy Đồng hồ số 1 Moscow. Tòa
nhà nhà máy đã được dựng lên chỉ trong một vài tháng ngay trên nền móng của nhà máy sản
xuất vỏ thuốc lá trên đường Vorontsovskaya ở thủ đô.
Công nhân là việc trong nhà máy đồng hồ số 1. Nguồn Alltime.ru
Những
chiếc đồng hồ đầu tiên ở Liên Xô đã được sản xuất trong chính những bức tường đó. Lúc đầu,
chỉ có bốn mẫu: đồng hồ bỏ túi lên cót tay 15 chân kính dành cho các quan chức
cộng sản, đồng hồ đeo tay nam (7 chân kính) cho sĩ quan quân đội, đồng hồ bỏ túi
nam (7 chân kính) và đồng hồ nữ (15 chân kính) cho dân thường. Một dòng đồng hồ
riêng biệt dự định bán ra bên ngoài lãnh thổ Liên Xô cũng được sản xuất. Trong khoảng thời gian 1935-1940, những chiếc đồng hồ của Nhà máy Đồng hồ số 1 đã được sản xuất trên
những dây chuyền mới, một số trong số đó do chính Liên Xô tự sản xuất. Năm 1941, tất
cả nhân viên của nhà máy, cùng với thiết bị, đã được sơ tán đến thành phố
Zlatoust. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu …
Dậy đi, hỡi đất nước rộng lớn.
Lịch
sử của ngành công nghiệp đồng hồ của nước Nga trong thời chiến gắn bó chặt chẽ
với quân đội, đặc biệt ngành không quân. Các phi công cần một chiếc đồng
hồ, và Nhà máy Đồng hồ số 1 Moskva đã ngay lập tức đáp ứng nhu cầu này. Năm
1942, Nhà Xưởng của nhà máy số 1 đã trở lại thủ đô mặc cho tình hình chiến
tranh hết sức khốc liệt và nó bắt đầu cung cấp cho các binh sĩ tiền tuyến không chỉ đồng
hồ, mà còn cả hộp đạn, đặc biệt nhà xưởng còn sản xuất cả bộ phận cho các hệ thống pháo tên lửa BM-13, được
biết đến với biệt danh Katyusha. Vào năm 1945, nhà máy đã hoạt động trở lại như
thời trước chiến tranh, bằng việc cho ra mắt chiếc đồng hồ Pobeda năm 1946. Một
số quan chức thực sự thích cái tên này, mặc dù nhiều người trong số họ, theo
các nhân chứng, đã sử dụng độc quyền đồng hồ Pavel Bure sản xuất tiền cách mạng
tháng 10, mà vào thời điểm đó rất hiếm ở Liên Xô.
Hai chiếc đồng hồ Pobeda được sản xuất năm 1946.
Chiến
tranh kết thúc, Liên Xô bước vào thập niên 50, nhà máy đồng hồ số 1 nhận được một đơn hàng đặc biệt: chiếc đồng hồ Nam Cực danh cho những nhà khoa học tham gia chuyến thám hiểm
đầu tiên của Liên Xô đến Nam Cực. Cỗ máy sử dụng trên chiếc đồng hồ Nam Cực là caliber K-26 của Pobeda, tuy nhiên nó được bảo vệ bởi lớp vỏ vô cùng đặc biệt giúp
cho đồng hồ chống lại bức xạ điện từ. Việc phóng vệ tinh Trái đất nhân tạo đầu
tiên vào ngày 4 tháng 10 năm 1957 là sự kiên gây trấn động toàn thế giới. Tất
nhiên để đánh dấu sự kiện này, phiên bản kỉ niệm đồng hồ Sputnik (vệ tinh) được ra đời và chúng chỉ được sản xuất
trong vòng vỏn vẹn 1 năm (1957-1958), vì vậy chúng được các nhà sưu tầm săn
lùng hết sức gắt gao.
Đồng hồ Nam cực và đồng hồ Sputnik
Những
năm 60 là thời điểm bùng nổ chưa từng thấy, một số nhà sử học coi thời kỳ đó là
thập kỷ tốt nhất trong lịch sử nước Nga, bất kể nó được gọi như thế nào
– Nga, Đế quốc Nga, Liên Xô, hay Liên bang Nga. Luận điểm này rất rõ ràng, bởi những
thành tựu nổi bật mà Liên Xô đạt được trong giai đoạn từ 1960 đến 1970. Những thành
công tuyệt vời của Liên Xô trong thám hiểm không gian đã tạo nên giai điệu vang
mãi đến ngày hôm nay, đó mãi là niềm tự hảo của người Nga nói riêng và toàn bộ
LB Xô viết nói chung.
Thời kỳ chinh phục vũ trụ
Chiếc đồng hồ Sturmanskie được Gagarin sử dụng khi bay vào không gian.
Đồng
hồ Liên Xô đã trở thành những chiếc đồng hồ đầu tiên được đưa vào trong không
gian và sẽ mãi mãi là một phần của chiến thắng khó quên đó trong trang sử hào
hùng của Xô Viết. Vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, người Nga và công dân Liên Xô
Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên trên trái đất bay vào trong không gian.Trong
bay lịch sử đó, trên tay của nhà du hành vũ trụ là chiếc đồng hồ huyền thoại
Shturmanskie, được sản xuất bởi Nhà máy đồng hồ số 1 Moskva, đã quen thuộc với
chúng ta. Đây cũng là chiếc đồng hồ đầu tiên được sử dụng bên trong tàu vũ trụ.
Và ở bên ngoài khoảng không gian trong vũ trụ rộng lớn của chúng ta, chiếc đồng
hồ mang tên “Strela – Mũi tên” 3017 đã được đeo trên cổ tay của Alexei Leonov
trong chuyển thám hiểm không gian đầu tiên của loài người. Nhà du hành vũ trụ Alexei
Leonov – người hai lần nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô, là người đầu tiên trong lịch sử
nhân loại đi vào không gian vô tận của vũ trụ trong vòng 24 phút vào ngày
18/3/1965.
Alexei leonov và chiếc Strela 3017 huyền thoại. Nguồn Alltime.ru
Những
người thợ thủ công Liên Xô đã tạo ra những chiếc đồng hồ siêu mỏng. Một trong
những thời khắc đáng nhớ của năm 1965 là việc đưa vào sản xuất caliber Poljot
2200 siêu mỏng với độ dày chỉ 1,85mm (tổng độ dày của chiếc đồng hồ là 4 mm) tại
Nhà máy Đồng hồ số 1 Moscow.
Poljot 2200 - bộ máy mỏng nhất từng được chế tạo tại Liên Xô. Nguồn Alltime.ru
Những
chiếc Đồng hồ sản xuất tại Nhà máy Đồng hồ số 1 Moskva rất được ưu chuộng ở 70
quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ, Anh, Bỉ, Ý, Hy Lạp vv...
Hi vọng vào tương lai
Thập
niên 70 và 80 đánh dấu sự đình trệ của chính quyền Brezhnev, tuy nhiên xuất
khẩu đồng hồ của Liên Xô không suy giảm nhưng ở thị trường trong nước, tình
hình không như vậy. Đồng hồ chất lượng cao không được tìm thấy thường xuyên,
chúng được sản xuất chủ yếu cho quân đội. Đồng hồ "Ocean - Đại dương" chronograph là bằng chứng
tốt nhất về điều đó. Cỗ máy 3133 lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1976, đem
đến sự mới lạ được dành cho các sĩ quan của Hải quân Liên Xô. Chất lượng của
chúng đạt mọi yêu cầu, nhưng đáng tiếc chúng lại không bán rộng rãi cho công
chúng.
Đồng hồ Ocean vỏ thép không gỉ ra mắt năm 1976.
Tất
nhiên, ngành công nghiệp đồng hồ thời Liên Xô, không thể so sánh với sản xuất đồng
hồ của nước Nga thời tiền cách mạng (thời kỳ Sa hoàng). Liên Xô có thể cung cấp đồng hồ chất lượng
cao, sau này trở thành huyền thoại, nhưng về mặt phức tạp trong sản xuất thì
mãi mãi không thể so sánh với thời kỳ hoàng kim của Nữ hoàng Catherine Đại đế.
Rất
lâu trước khi Liên Xô hình thành, các bậc thầy như Kulibin và Coks đã tạo ra
các tác phẩm nghệ thuật thực sự, là đỉnh cao của cơ khí và sự sáng tạo. Tuy
nhiên, những chiếc đồng hồ Kulibin tinh xảo trong thiết kế và phức tạp ở bộ máy
chỉ có thể dành cho những người giàu, vì vậy chúng được sản xuất ra không nhiều.
Hệ thống cộng sản khét tiếng vì sự đồng nhất trong mọi thứ, nhưng nó cũng giúp cho mọi công dân Liên Xô quyền sở hữu
và sử dụng những chiếc đồng hồ mà trước đây đó thực sự là một điều xa sỉ. Một lần
nữa, chỉ có Pavel Pavlovich Bure đã thành công trong việc kết hợp sản xuất hàng
loạt những chiếc đồng hồ chất lượng cao dành cho mọi tầng lớp trong thời kỳ đế
quốc Nga (nước Nga Sa hoàng). Và ở đây tôi không đặt cho mình nhiệm vụ đánh giá
chủ nghĩa cộng sản, hay chế độ quân chủ, mà chỉ nêu rõ sự thật. Trên quan điểm
cá nhân, tôi thấy rằng các thể thể chế chính trị khác nhau sẽ mang lại nhưng
thành quả khác nhau, tất nhiên, có những điểm tốt và song hành là những điểm xấu,
có chiến thắng và thất bại. Nhiệm vụ của chúng ta những cá thể trong chế độ là
làm giảm nguy cơ thất bại và tăng khả năng chiến thắng.
Vào
cuối những năm 80, một mặt, ngành sản xuất đồng hồ Liên Xô nhận được những dấu
hiệu tích cực khi hàng năm Hồng Kông và
Singapore đã đặt mua 3-4 triệu đồng hồ mỗi năm. Mặt khác, một cảm giác mệt mỏi
kỳ lạ treo lơ lửng trong không khí. Tất nhiên, cuộc chiến ở Afghanistan đã góp
phần. Nhưng sâu xa hơn người Nga cảm nhận được thời của một cuộc đảo chính mới
chắc chắn đang đến gần. Và một trang mới trong lịch sử ngành công nghiệp đồng hồ
ở Nga sẽ lại bắt đầu.
Về
điều này – tôi xin được giới thiệu trong phần tiếp theo, cũng là phần cuối của
seri bài viết giới thiệu lịch sử ngành đồng hồ Nga mời độc giả chú ý đón đọc. Bạn đọc có thể theo dõi ba phần còn lại tại những đường liên kết phía dưới:
Xin tiếp tục gửi đến độc giả Phần 2 bài viết "Những cỗ máy đồng hồ tốt và bền bỉ nhất của Liên Xô". Ở phần 1 tôi đã giới thiệu đến độc giả những bộ máy của Raketa và Poljot. Phần 2, tôi sẽ tiếp tục giới thiệu và điểm qua một vài điểm mạnh điểm yếu của những bộ máy còn lại.
Vostok Komandirskie chạy máy 2214, 18j, cót tay, tích cót 38h.
Các
cỗ máy của đồng hồ Vostok rất đáng tin cậy, đặc biệt là caliber 22XX, thực tế
không có điểm yếu rõ ràng, chúng ổn định và bền bỉ với thời gian (hai chữ số đầu
tiên là đường kính của máy, XX là số hiệu máy). Tôi có thể kể ra một vài bộ máy kiểu này của Vostok: 2209, 2214, 2234 . Calibers 24XX là những bộ máy
ra đời sau, chúng có một vài điểm trừ ở bộ phận điều chỉnh độ chính xác của đồng hồ (bộ phận hãm chuyển động - ограничитель ход). Tuy nhiên nhìn chung đây là những có máy tạm ổn trong quá trình hoạt động. Một vài bộ máy 24XX mà bạn có thể lưu tâm: 2403, 2419, 2414A, 2416B ( đây là cỗ máy tự động 31 chân kính của vostok, ngày nay vẫn được dùng khá nhiều). Cuối cùng không thể không nhắc đến caliber 2809 phiên bản copy của Zenith 135. Đây là cỗ máy lên cót tay với 22 chân kính và đã giành được huy chương vàng về độ chính xác tại triển lãm Quốc tế ở Leipzig, Đức năm 1962. Có thể nói rằng đây là một trong những bộ máy đồng hồ tốt nhất Liên Xô về cả độ bền lẫn độ chính xác.
Vostok 2809 - một trong những chiếc đồng hồ tốt nhất của Liên Xô. Nguồn internet
Tôi
không muốn nói về slava, bộ máy cồng kềnh với chi tiết gấp rưỡi so với mức cần
thiết và nút chỉnh lịch thường xuyên gặp vấn đề. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng lịch
trên những chiếc Slava chỉ để trang trí. Đồng hồ Slava cần thường xuyên bảo dưỡng
và lau dầu thì chúng mới chạy chính xác. Có thể do mục đích ban đầu những chiếc
Slava được tạo ra để dành cho tầng lớp bình dân, nên các chi tiết máy không được
làm tỉ mỉ và kỹ càng, điều đó dẫn đến sự kém hiệu quả trong quá trình hoạt động của các bộ phận, điều này tạo ra những chiếc đồng hồ với độ chính xác không như ý muốn. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng tiền nào thì của đấy.
Đồng hồ Pobeda K-26, 15j. Một chiếc đồng hồ mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho chiến thắng của Hồng quân.
Nguồn milwatches.ru
Máy
móc của những chiếc đồng hồ Pobeda lại quá đơn giản như một chiếc cào (tôi để
nguyên văn câu chữ của tác giả), và chúng không thể được quy cho tiêu chuẩn chất
lượng. Bởi vì một vài đặc điểm sau, thứ nhất, không có thiết bị chống sốc và khả
năng cân bằng trên caliber K-26 kim rốn (K: круглый–
hình tròn, 26 là đường kính máy). Nếu điều này được coi là dễ hiểu đối với những
năm 50, thì tại sao cho đến những năm 90 vẫn không có nhiều sự thay đổi trong
cơ chế máy này. Thứ hai, trên trục của bánh xe phút (bánh xe trung tâm) không được
gắn chân kính (đá rubi) dẫn đến khả năng hoạt động trơn tru của bộ máy bị giảm đáng kể,
cùng với đó là sự hao mòn của cỗ máy theo thời gian. Điều này chỉ được khắc phục
khi sử dụng một lò xo mạnh mẽ, có thể xoắn cơ chế này trong nhiều năm mà không
cần bôi trơn. Nhưng đây là cách giải quyết không khả thi, bởi vì với kinh nghiệm
sửa chữa của mình, tôi không thấy bất kỳ cỗ máy này bị hao mòn nhiều như K-26 của
Pobeda. Một điểm yếu nữa là trục của kim giây rất mỏng, khiến cho nó sẽ dễ dàng bị vỡ khi gặp va đập mạnh
trong quá trình sử dụng. Những biến thể khác của caliber K-26 và caliber-2603 (sản xuất
tại nhà máy Raketa) đã khắc phục được điểm yếu khi ra đời này và nhờ đó mà những
bộ máy này không bị khai tử.
Đồng hồ bỏ túi Molniya. Nguồn: Vk/Александр Бродниковский
Những
cỗ máy của Molniya nói chung là khá thành công, nhưng một lần nữa, sự vắng mặt
của một thiết bị chống sốc trên balance là gót chân Achilles của các caliber này.
Bộ
máy trên những chiếc đồng hồ nữ rất khó đánh giá, vì bây giờ gần như chúng đã
biến mất. Những chiếc Zarya 1600 và 1601 có vấn đề tương tự như Raketa 2209, đó
là dây tóc. Một dây tóc mỏng và quá lớn trong một không gian chật hẹp, thực sự
gây cản trở rất nhiều cho việc hoạt động trơn tru của bộ máy. Tuy nhiên, với sự
chuyển đổi sang tần số 21600 (hầu hết đồng hồ Liên Xô hoạt động ở tần số 18800
VPH), vấn đề với tóc biến mất, bởi vì dây tóc mới được sử dụng đã trở nên cứng hơn. Tổng kết: Dưới góc nhìn của một người đã sử dụng qua một vài dòng đồng hồ của Liên Xô tôi rất đồng ý với ý kiến của người thợ sửa đồng hồ này. Mặc dù bài viết không thể bao quát tất cả các bộ máy của những dòng đồng hồ đã từng được sản xuất tại Liên bang Xô Viết, nhưng tôi thấy đây là một tài liệu đáng để tham khảo. Còn bạn hãy cho tôi biết ý kiến của mình sau khi đã lên tay những chiếc đồng hồ vang bóng một thời. Video đánh giá nhược điểm của đồng hồ Liên Xô: